Thái hậu nước Tần Hoa_Dương_Thái_hậu

Năm Tần Chiêu Tương vương thứ 56 (251 TCN), Chiêu Tương vương qua đời. An Quốc quân kế vị, tức Tần Hiếu Văn vương. Hoa Dương phu nhân trở thành Vương hậu, Tử Sở được phong Thái tử[8]. Tuy nhiên Hiếu Văn vương tại vị 3 ngày thì qua đời, Tử Sở lập tức kế vị, tức Tần Trang Tương vương. Trang Tương vương tôn Hoa Dương làm [Hoa Dương Thái hậu], còn mẹ đẻ Hạ Cơ được tôn [Hạ Thái hậu][9].

Khi ấy, sau 6 năm chia cách, Trang Tương vương đón vợ con là Triệu CơDoanh Chính về Tần. Triệu Cơ trở thành Vương hậu, Doanh Chính được phong Thái tử, mặc dù trong 6 năm, dưới sự an bài của Hạ Thái hậu, Tử Sở nạp thêm một nữ nhân nước Hàn và sinh ra Thành Kiểu, tức Trường An quân. Theo cách nói của học giả Lý Khai Nguyên (李開元), nếu Thành Kiểu (成蟜) được lập làm người kế vị, chuyện này không có lợi cho Hoa Dương Thái hậu vì Hàn Cơ có quan hệ thân thiết với Hạ Thái hậu, người luôn lép vế trước Hoa Dương khi An Quốc quân còn sống[10][11]. Rất có thể nhờ tác động của Hoa Dương, mẹ con Triệu Cơ mới được phong Vương hậu và Thái tử.

Năm Tần Trang Tương vương thứ 3 (247 TCN), Tần vương Tử Sở qua đời. Doanh Chính kế vị, năm đó 13 tuổi, sinh mẫu Triệu Cơ được tôn Thái hậu. Khi đó Tần vương Chính chưa thành niên, không thể tự mình chấp chính mà phải đợi đến năm 22 tuổi, trong những năm đó phải nhờ đến các đại thần hoặc Thái hậu nhiếp chính. Nhiều tư tưởng cho rằng Triệu Cơ và Lã Bất Vi nhiếp chính suốt 9 năm đầu của Tần vương Chính, nhưng điều đó không chính xác. Triệu Cơ là con dâu của Hoa Dương Thái hậu và Hạ Thái hậu, vai vế thua hẳn một bậc. Xét hai người, tuy Hạ Thái hậu là tổ mẫu ruột của Tần vương Chính, nhưng Hoa Dương Thái hậu lại là chính thê của Hiếu Văn Vương, đích mẫu của Trang Tương vương nên quyền lực chắc chắn cao hơn Hạ Thái hậu. Học giả Lý Khai Nguyên nhận định nếu khi ấy nước Tần cần nhiếp chính, vị thế của Hoa Dương Thái hậu là lớn nhất, rất có thể bà đã nhiếp chính trong những năm này.

Năm Tần vương Chính thứ 17 (230 TCN), Hoa Dương Thái hậu qua đời, hợp táng cùng Tần Hiếu Văn vương ở Thọ Lăng (壽陵)[12][13].